GIÁO HỘI TIN LÀNH MENNONITE VIỆT NAM


Cuộc trao đổi vĩ đại

Cuộc trao đổi vĩ đại

 

jesus_cross_circle“Mọi việc đã được trọn”, đó là những lời cuối cùng của Chúa Jê-sus trên thập tự giá, trước khi Ngài gục đầu mà trút linh hồn. (Giăng 19:30)
Moị việc cần cho sự cứu rỗi loài người, Chúa đã làm xong, nhưng rõ ràng con người còn chưa nhận đủ. Chính vì điều đó mà chúng ta học hỏi Lời Ngài, để nhận biết Chúa hơn, vì cảng hiểu Chúa hơn sẽ nhận được phước Ngài đầy trọn hơn.

Trong chương 53, Tiên tri Ê-sai có nói lời tiên tri, mà gồm tóm những điều Chúa Jê-sus đem đến cho nhân loại. Những điều nói đến trong lời tiên tri về Đấng Cứu thế này đã ứng nghiệm chính xác 700 năm sau đó trong đời sống và chức vụ Chúa Jê-sus.
Ê-sai 53
4 Thật người đã mang sự đau ốm của chúng ta, đã gánh sự buồn bực của chúng ta; mà chúng ta lại tưởng rằng người đã bị Ðức Chúa Trời đánh và đập, và làm cho khốn khổ. 5 Nhưng người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương. Bởi sự sửa phạt người chịu chúng ta được bình an, bởi lằn roi người chúng ta được lành bịnh. 6 Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy; Ðức Giê-hô-va đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người. 7 Người bị hiếp đáp, nhưng khi chịu sự khốn khổ chẳng hề mở miệng. Như chiên con bị dắt đến hàng làm thịt, như chiên câm ở trước mặt kẻ hớt lông, người chẳng từng mở miệng. 8 Bởi sự ức hiếp, và xử đoán, nên người đã bị cất lấy; trong những kẻ đồng thời với người có ai suy xét rằng người đã bị dứt khỏi đất người sống, là vì cớ tội lỗi dân ta đáng chịu đánh phạt? 9 Người ta đã đặt mồ người với những kẻ ác, nhưng khi chết, người được chôn với kẻ giàu; dầu người chẳng hề làm điều hung dữ và chẳng có sự dối trá trong miệng. 10 Ðức Giê-hô-va lấy làm vừa ý mà làm tổn thương người, và khiến gặp sự đau ốm. Sau khi đã dâng mạng sống người làm tế chuộc tội, người sẽ thấy dòng dõi mình; những ngày người sẽ thêm dài ra, và ý chỉ Ðức Giê-hô-va nhờ tay người được thạnh vượng. 11 Người sẽ thấy kết quả của sự khốn khổ linh hồn mình, và lấy làm thỏa mãn. Tôi tớ công bình của ta sẽ lấy sự thông biết về mình làm cho nhiều người được xưng công bình; và người sẽ gánh lấy tội lỗi họ. 12 Vậy nên ta sẽ chia phần cho người đồng với người lớn. Người sẽ chia của bắt với những kẻ mạnh, vì người đã đổ mạng sống mình cho đến chết, đã bị kể vào hàng kẻ dữ, đã mang lấy tội lỗi nhiều người, và cầu thay cho những kẻ phạm tội.

Trong đoạn Kinh thánh nói trên, chúng ta thấy điều mà Chúa Jê-sus đã làm trên thập tự giá, có thể gọi là một cuộc trao đổi vĩ đại. Đức Chúa Trời muốn đến với con người, để đổi những tốt lành Ngài có lấy những xấu xa của loài người chúng ta. Càng học theo Chúa, chúng ta càng thấy sự trao đổi tốt lành này trong mọi lĩnh vực, nhưng hãy cùng phân tích những trao đổi quan trọng nhất. Một khi chúng ta sẽ có niềm tin về lĩnh vực này, chúng ta sẽ có một đức tin mạnh mẽ và dạn dĩ mà nhận mọi phước Chúa đã sắm sẵn cho mình.
1. Chúa Giêsu đã chịu trừng phạt để chúng ta có thể được tha thứ
Trong câu 5 của đoạn trên:
“Nhưng người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương.”
Những vết roi, những lằn đòn đầy thương tích Chúa mang trên mình Ngài đó là hình phạt của tội lỗi chúng ta.
Tội lỗi và sau đó là hình phạt, đó là một qui luật bất biến. Nhiều khi tội lỗi chính là sự lầm lạc khi con người bướng bỉnh đi theo sự ích kỷ của bản thân, theo con đường riêng của mình (xem câu 6). Chúa đổi lấy cả những sai lầm trong cuộc sống của chúng ta nữa.
Chỉ có cơ-đốc nhân mới dám nói công khai về tội lỗi, chỉ con cái Chúa mới dám làm chứng về quá khứ xấu xa của mình, vì ai thuộc về Chúa Jê-sus thì người đó đã được sạch tội, và chỉ những người đó mới có thói quen ăn năn để sửa đổi đường lối của mình.
Bây giờ, hãy thử suy nghĩ về cách mà Chúa Jê-sus chịu chết, có phải là cái chết đau đớn kinh hoàng, như cách nói của người Việt chúng ta - chỉ có người bị Trời phạt mới chết như vậy. Nhưng, một người tốt như Chúa Jê-sus làm sao lại bị Trời phạt? Nếu như đó không phải là chính kế hoạch của Đức Chúa Trời, cách duy nhất để ban sự tha thứ cho loài người, đó là sự trừng phạt mà Ngài đã chịu trả giá để cho chúng ta được sự tha tội..
Bởi sự sửa phạt người chịu chúng ta được bình an
Chúng ta được làm hòa với Đức Chúa Trời.
Ê-phê-sô 2:16 và vì bởi thập tự giá Ngài đã làm cho sự thù nghịch tiêu diệt, nên nhờ thập tự giá đó Ngài khiến cả hai hiệp thành một thể, mà làm hòa thuận với Ðức Chúa Trời.
Lòng ai tin Chúa cũng nhẹ nhàng thanh thản. Lòng ta cũng sẽ nhẹ nhàng, bình an, thoải mái, khi chúng ta sống đẹp ý Chúa.
Giăng 1:29 Qua ngày sau, Giăng thấy Ðức Chúa Jêsus đến cùng mình, thì nói rằng: Kìa, Chiên con của Ðức Chúa Trời, là Ðấng cất tội lỗi thế gian đi.
Chiên Con của Đức Chúa Trời hằng sống đã hiện ra, để cất tội lỗi thế gian đi.
Chúa cất tội lỗi đi! Nếu bạn không cầm giữ tội lỗi đó trong mình, thì tội đó có thể được cất đi. Hãy đổi tội mình cho Chúa!
2. Chúa Giêsu đã bị thương để chúng ta có thể được chữa lành
Câu 5 được tiếp tục bằng ý sau: “bởi lằn roi người chúng ta được lành bịnh.”
Sau này, khi Chúa Jê-sus đã đến trên đất và làm phước chữa lành giải phóng con người khỏi bệnh tật, thì ai nấy đều rõ đó là lời tiên tri nói trên (câu 4) đã được ứng nghiệm.
Ma-thi-ơ 8:16-17
16 Ðến chiều, người ta đem cho Ðức Chúa Jêsus nhiều kẻ bị quỉ ám, Ngài lấy lời nói mà đuổi quỉ ra; cũng chữa được hết thảy những người bịnh, 17 vậy cho được ứng nghiệm lời của Ðấng tiên tri Ê-sai đã nói rằng: Chính Ngài đã lấy tật nguyền của chúng ta, và gánh bịnh hoạn của chúng ta.

Nhưng, ý của Ê-sai đã được sứ-đồ Phi-e-rơ nhắc lại, như một lời khẳng định, công bố quyền được lành bệnh cho mọi người tin Chúa.
1 Phi-e-rơ 2:24 Ngài gánh tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ, hầu cho chúng ta là kẻ đã chết về tội lỗi, được sống cho sự công bình; lại nhơn những lằn đòn của Ngài mà anh em đã được lành bịnh.
Tại sao hai điều trên được tiên tri nói cùng trong một câu, vì tội lỗi là căn nguyên sinh bệnh tật. Bẹnh tật không chỉ đến từ ma quỉ, ngay cả khi con người sai lầm, thiếu hiểu biết, bóc lột cơ thể mình cũng sẽ sinh ra bệnh tật.
Khi Chúa Jê-sus nhìn thấy người bại liệt được đem đến với Ngài (theo cách khác thường – họ thả xuống qua mái nhà trong Mác đoạn 2), Ngài đã nói gì với người bại đang nằm trên giường, với con mắt cầu cứu Ngài?
Ma-thi-ơ 9:2 Nầy, có người đem lại cho Ngài một người đau bại nằm trên giường. Ðức Chúa Jêsus thấy đức tin của các ngươi đó, thì phán cùng người bại rằng: Hỡi con, hãy vững lòng, tội lỗi con đã được tha.
Sau đó Ngài đã chữa lành cho người bại, nhưng đầu tiên Ngài giải quyết cội rễ của nan đề đó – là tha tội cho anh ta.
Nếu Chúa đển để đổi sức khỏe của Ngài lấy bệnh tật của chúng ta, chúng ta có chịu đổi không? Chúng ta có chịu tin và tuyên xưng những lời đức tin đó không? Tại sao chúng ta tin là Chúa tha tội mà lại khó tin việc Chúa chữa lành? Hai điều đó điều nào khó hơn. Đấy chính là câu Chúa hỏi những người sùng đạo, khi họ thầm lằm bằm trong đầu mình về lời tuyên bố của Chúa tha tội cho người bại liệt.
Bao nhiêu phép lạ chữa lành Chúa Jê-sus đã làm, thì ngày hôm nay Thánh Linh cũng làm tiếp tục nhân danh Chúa Jê-sus.
3. Chúa Giê-xu đã trở nên tội lỗi vì chúng ta, để chúng ta nhờ Ngài trở nên sự công bình của Đức Chúa Trời.
2 Cô-rinh-tô 5:21 Ðức Chúa Trời đã làm cho Ðấng vốn chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, hầu cho chúng ta nhờ Ðấng đó mà được trở nên sự công bình của Ðức Chúa Trời.
Hãy lưu ý câu Kinh thánh này, để hiểu được điều mầu nhiệm nói đến ở đây. Không phải trở nên người tội lỗi (tội nhân) mà trở nên tội lỗi. Và Đức Chúa Trời đã đóng đinh tội lỗi trong xác thịt con người trên thập tự giá.
Rô-ma 8:3 Vì điều chi luật pháp không làm nổi, tại xác thịt làm cho luật pháp ra yếu đuối, thì Ðức Chúa Trời đã làm rồi: Ngài đã vì cớ tội lỗi sai chính Con mình lấy xác thịt giống như xác thịt tội lỗi chúng ta, và đã đoán phạt tội lỗi trong xác thịt,
Sống công bình, nhân đức, sống làm lành bây giờ là điều có thể! Trước kia chúng ta làm điều ác theo phản ứng tự nhiên, vì bản tính tội lỗi. Còn bây giờ chúng ta tự nhiên làm điều công bình thánh sạch, và lương tâm sẽ giúp cho chúng ta biết phân biệt điều thiện và điều ác.
“Sau khi đã dâng mạng sống người làm tế chuộc tội”
Câu 10 của đoạn 53 nói rằng Chúa Jê-sus đã dâng chính linh hồn mình làm của tế chuộc tội. Những hình phạt Ngài chịu là chịu cho hậu quả của tội lỗi, còn Ngài dâng chính linh hồn công bình của mình để chuộc tội cho những linh hồn phạm tội của con người chúng ta. Sau đó, khi đã làm trọn, chúng ta được Chúa làm thành những người công bình.
Hãy tự nói với bản thân mình: “Tôi đã được Chúa đổi tính đổi nết. Tôi trở thành người công bình. Tôi bây giờ là thánh đồ - người thuộc về Chúa thánh!”
Người công bình sẽ được hưởng phước. Người công bình sẽ được hưởng đất. Dưới đây là một số điểm khác biệt đối xử của Đức Chúa Trời giữa người công bình và kẻ ác, trong sách Châm ngôn.
Châm 3:33  Sự rủa sả của Đức Giê-hô-va giáng trên nhà kẻ ác. Song Ngài ban phước cho chỗ ở của người công bình.
Châm 10:16  Lao khổ của người công bình hướng về sự sống; Còn hoa lợi kẻ hung ác chiều về tội lỗi.
Châm 10:25  Khi gió trốt thổi qua, kẻ hung ác không còn nữa; Song nền của người công bình còn đến đời đời.
Châm 10:28  Sự trông mong của người công bình giáp sự vui vẻ; Còn sự trông đợi của kẻ ác sẽ hư mất đi.
Châm 11:10  Cả thành đều vui vẻ về sự may mắn của người công bình; Nhưng khi kẻ ác bị hư mất, bèn có tiếng reo mừng.
Châm 11:23  Sự ao ước của người công bình chỉ là điều thiện; Còn điều kẻ ác trông đợi, ấy là cơn thạnh nộ.
Châm 11:30  Kết quả của người công bình giống như cây sự sống; Người khôn ngoan có tài được linh hồn người ta.
Châm 12:12  Kẻ hung ác tham lam của hoạch tài; Song rễ của người công bình sanh bông trái.
Châm 13:21  Tai họa đuổi theo kẻ có tội; Còn phước lành là phần thưởng của người công bình.
Châm 15:29  Đức Giê-hô-va xa cách kẻ ác; Nhưng Ngài nghe lời cầu nguyện của người công bình.

rembrandt_the_three_crosses_1653


4. Chúa Giêsu nếm trải sự chết để cho chúng ta chia sẻ cuộc sống của Ngài

Sự chết là chia cắt khỏi nguồn sự sống (là Đức Chúa Trời) khiến con người mất dần đi sức sống, cái tốt, cái đẹp, cái thiêng liêng. Kết quả nó là sự rủa sả, đói nghèo, bệnh tật, và xấu hổ.
Bây giờ Chúa giải phóng khỏi sự rủa sả (không may mắn, hay còn gọi là lời nguyền xấu). Những tai họa lặp đi lặp lại, truyền qua các thế hệ, đó là sự rủa sả cần phải đập tan, bạn phải trao đổi cho Chúa bây giờ.
Gal 3:13 Ðấng Christ đã chuộc chúng ta khỏi sự rủa sả của luật pháp, bởi Ngài đã nên sự rủa sả vì chúng ta, vì có lời chép: Ðáng rủa thay là kẻ bị treo trên cây gỗ, 14 hầu cho phước lành ban cho Áp-ra-ham nhờ Ðức Chúa Jêsus Christ mà được rải khắp trên dân ngoại, lại hầu cho chúng ta cậy đức tin mà nhận lãnh Ðức Thánh Linh đã hứa cho.
Giải phóng khỏi đói nghèo triền miên
2 Cô-rinh-tô 8:9 Vì anh em biết ơn của Ðức Chúa Jêsus Christ chúng ta, Ngài vốn giàu, vì anh em mà tự làm nên nghèo, hầu cho bởi sự nghèo của Ngài, anh em được nên giàu.
Chúa Jê-sus đã đói, đã khát, đã phải xin nước uống trên thập tự. Ngài bị lột trần, cướp sạch không còn mảnh vải. Ngài chết như một người nghèo nhất, để bạn và tôi được nhận sự giàu có của Ngài.
Đức Chúa Trời có quyền phép để cho chúng ta đủ mọi thứ ơn đầy dẫy đến nỗi chúng ta luôn dư dật và được giàu có trong mọi sự.
2 Cô 9: 8 Ðức Chúa Trời có quyền ban cho anh em đủ mọi thứ ơn đầy dẫy, hầu cho anh em hằng đủ điều cần dùng trong mọi sự, lại còn có rời rộng nữa để làm các thứ việc lành... 11 Như vậy, anh em được giàu trong mọi sự, để làm đủ mọi cách bố thí, hầu cho người khác bởi chúng tôi mà tạ ơn Ðức Chúa Trời
Nếu chúng ta còn đang nghĩ chỉ đến mình, chưa bao giờ biết ban cho, bố thí, hoặc giúp đỡ người khác, thì chúng ta vẫn là người nghèo. Người chủ xưởng giày dép không có đủ để cho một thùng dép, so với người khách hàng của ông ta bỏ tiền ra mua hai thùng dép đó để tặng con cái Chúa đem đi ban phát cho những người thiếu khó ở vườn rau, vậy ai là người giàu, ai là người dư dật hơn?
Khi mỗi người giàu lên, thì cả dân tộc và đất nước giàu lên. Không phải đạp lên đầu nhau, không phải bóc lột nhau để làm giàu, mà được cùng giàu lên trong Chúa. Hãy so sánh Hàn Quốc với Bắc Triều tiên - cùng một dân, một bên tin theo Chúa và một bên không.
Hãy trao tư tưởng nghèo khó của mình cho Chúa để nhận đức tin và bắt đầu nhờ quyền phép Chúa mà sống thạnh vượng!
5. Chúa Giêsu đã chịu bị từ bỏ để chúng ta được Chúa Cha tiếp nhận
“Đức Chúa Trời tôi ơi, Đức Chúa Trời tôi ơi, sao Ngài lìa bỏ tôi?” (Ma-thi-ơ 27:46) – đấy là những câu đau đớn Chúa Jê-sus đã thốt lên khi treo trên thập tự giá, trời đất tối sầm lại như bày tỏ cơn giận của Đức Chúa Trời trước tội lỗi loài người đang bị đóng đinh trên đó.
Nhưng chính nhờ sự từ bỏ đó mà ngày hôm nay chúng ta có thể đến được với Đức Chúa Trời mà được Ngài tiếp nhận, và chúng ta không còn mặc cảm tội lỗi gì cả. Ngài đã ban cho tôi và bạn danh của Ngài, để khi chúng ta đến trước Đức Chúa Trời, cầu xin nhân danh Chúa Jê-sus, thì Ngài lắng nghe chúng ta. Một người Con chết đi để làm hòa và đưa về với Chúa Trời bao nhiêu người con khác (câu 10-11).
1 Giăng 3:1 Hãy xem Ðức Chúa Cha đã tỏ cho chúng ta sự yêu thương dường nào, mà cho chúng ta được xưng là con cái Ðức Chúa Trời; và chúng ta thật là con cái Ngài.
Chúa chịu từ bỏ, để tôi được tự tin đến gần Chúa. Tôi và các bạn bình đẳng với mọi dân mọi nước. Trong Chúa không còn sự chia rẽ văn minh với mọi rợ, nô lệ với tự chủ, giàu với nghèo, đàn ông với đàn bà.
Ga-la-ti 3:28 Tại đây không còn chia ra người Giu-đa hoặc người Gờ-réc; không còn người tôi mọi hoặc người tự chủ; không còn đờn ông hoặc đờn bà; vì trong Ðức Chúa Jêsus Christ, anh em thảy đều làm một.
Cảm ơn Chúa, Ngài còn giải phóng khỏi sự tự ti, sự xấu hổ, để ban cho chúng ta được vinh quang của Ngài, khi chúng ta hầu việc Ngài và làm công việc Ngài trên đất. Thật phước thay khi cảm nhận được rõ ràng điều này, khi một tay ta nối với Đức Chúa Trời, tay kia chìa cho những người cần đến Chúa.
Chúa bị cắt để chúng ta được nối lại làm một với Thánh Linh của Đức Chúa Trời!
Ê-phê-sô 2:18 Vì ấy là nhờ Ngài mà chúng ta cả hai đều được phép đến gần Ðức Chúa Cha, đồng trong một Thánh Linh.
Chúa tái sanh lại tôi để thành con người mới để bắt đầu cuộc sống mới. Mọi sự cũ đã qua đi này mọi sự đều trở nên mới.
2 Cô-rinh-tô 5:17 Vậy, nếu ai ở trong Ðấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới.
Tôi muốn kết thúc bài chia xẻ này bằng câu hỏi: còn bạn thì sao, bạn muốn đổi điều gì với Chúa Jê-sus?

 

worship arts graphic

Muốn nhận – phải trao đổi. Muốn nhận thêm – phải đổi thêm!
Muốn nhận cái mới, phải bỏ cái cũ, đừng khư khư giữ những cái có hại cho mình, đang cản bạn không nhận thêm phước Chúa.
Chúng ta phải đổi thêm những tội lỗi mình, để nhận được sự tha thứ và thêm bình an, và kết quả sau đó là phước hạnh được càng thêm nữa.
Chúng ta phải đổi bệnh tật cho Chúa để lấy sự chữa lành
Chúng ta phải đổi rủa sả không may, để lấy phước lành.
Chúng ta quyết định đổi nghèo khó (cả cách nghĩ cách làm việc) để nhận sự thành công đổi mới trong Ngài.
Chúng ta phải đổi sự tự ti của một người bị bỏ lấy sự tự tin của một người con của chính Đức Chúa Trời.
Chúng ta phải trao sự bướng bỉnh cứng đầu cho Chúa, để đổi lại nhận sự nhu mì vâng phục của Ngài.
Chúng ta phải đổi sự dại dột, mà nhận sự khôn ngoan.
Đổi sự xét đoán, để được lòng tha thứ
Đổi lời thô tục, để được lời mặn mà có ơn.
Đổi sự xác thịt, để được tâm linh nhạy cảm.
Hãy cầu nguyện xem Chúa muốn đổi điều gì với bạn lúc này? Và hãy lấy hết lòng tin mà dâng nó lên cho Chúa, cầu xin Ngài ban cho bạn điều tốt đẹp thay vào!

 

(Ghi lại theo bài giảng tại Hội thánh Tin lành Mát-xcơ-va 30/5/2010

Mục sư Quốc Hùng)


Bình Luận

No comments found.


 https://www.vietmenchurch.tk - Vietnamese Mennonite Church © 2010 All rights reserved.

Email: vietmenchurch09@gmail.com - Tel: (084) 8107163