GIÁO HỘI TIN LÀNH MENNONITE VIỆT NAM


GIAO-ƯỚC TRONG THÁNH KINH ? Ga-la-ti chương 03

 

1.7 Minh họa về Giao-ước (Sáng-thề-ký chương 15,17; Lu-ca chương 22) :

1.7.1 Ý định cứu chuộc con người của Thiên Chúa:  Đức Chúa Trời tự ý định của Ngài, Ngài khởi xướng Giao-ước vì con người tội lỗi không thể tự mình có đủ thông sáng, sự khôn ngoan để đến gần Ngài hoặc lập Giao-ước với Đức Chúa Trời thánh khiết được. Thật sự vậy, nếu Ngài không tìm kiếm Áp-ram trước thì chắc chắn rằng ông vẫn còn lầm lạc trong thế gian vì không ai có thể tự tìm kiếm Ngài được, nếu như Thiên Chúa không tự bày tỏ mình ra cho con người.  Con người chẳng hề nhận biết Thiên Chúa, hoặc tin nhận Ngài và hòa thuận cùng Ngài.  Do đó, con người không thể nhận biết phương cách để được cứu rỗi.

  • Đức Chúa Trời lập Giao-ước với một con người trong thời ân điển trước Cựu-ước trước khi có luật pháp được ban bố, để ông ấy xứng đáng với danh hiệu: “ người công chính”đại diện cho: gia đình (hiện tại), cho dân tộc (tương lai gần) và cho nhiều dân tộc trên thế gian (tương lai xa) để mọi người có thể nhận ân phúc từ Thiên Chúa ban cho, và người này là Áp-ram. Ngài đã phán với Áp-ram khi ông sống trong một xã hội ngoại giáo và kêu gọi ông ra đi.  Chúng ta cần xem xét lại những gì Thiên Chúa đã phán với Áp-ram trong chương 15, chương 17 của Kinh thánh sách Sáng-thế-ký, Ngài thật sự vui thỏa về con người “công chính” nầy, khi ông thành tâm nghe – vâng phục theo ơn Thiên triệu và sự kêu gọi của Ngài trên cuộc đời ông để rồi Ngài khởi ban bố một Giao-ước theo ý muốn của Ngài với ông và Ngài khai phóng Thiên ý định ban ân điền cho tội nhân, bởi vì ông vốn dĩ chỉ là một tội nhân.  Dầu ông được xưng công chính bởi tin tin theo lời Đức Chúa Trời, nhưng trên thực tế ông vẫn còn phạm lỗi, đây là đích thực ân điển”Ngài yêu chúng ta khi chúng ta vẫn còn là tội nhân trước mặt Ngài”(Rom 5:8).  

1.7.2 Thiên Chúa đã công bố Giao-ước cho một con người đại diện:   Sau các việc đó, trong sự hiện thấy, có lời Đức Giê-hô-va phán cùng Áp-ram rằng: Hỡi Áp-ram!  Hãy lưu ý đến tên của ông lúc ấy.  Điều này rất quan trọng.  Khi Đức Chúa Trời gọi ông là “Áp-ram”, (không phải: “Áp-ra-ham”).  Ngài phán:  Hỡi Áp-ram! Ngươi chớ sợ chi; Ta đây là một cái thuẫn đỡ cho ngươi; Đức Chúa Trời không ban cho ông một thanh gươm và một chiếc thuẫn, mà Ngài hứa chính Ngài là thuẫn che chở ông. Ngài tiếp: phần thưởng của ngươi sẽ rất lớn.

  • Áp-ram thưa rằng: Lạy Chúa Giê-hô-va,  Chúa sẽ cho tôi chi? Tôi sẽ chết không con, kẻ nối nghiệp nhà tôi là Ê-li-ê-se người Đa-mách.  Áp-ram lại nói rằng: Nầy Chúa làm cho tôi tuyệt tự; một kẻ tôi tớ sanh đẻ tại nhà tôi sẽ làm người kế nghiệp tôi.  Đức Chúa Trời hứa cho ông một con trai: -Đức Giê-hô-va bèn phán cùng Áp-ram rằng: Kẻ đó chẳng phải là kẻ kế nghiệp ngươi đâu, nhưng ai ở trong gan ruột ngươi ra sẽ là người kế nghiệp ngươi.  Lưu ý trong câu 9:  -Đức Giê-hô-va đáp rằng: Ngươi hãy bắt đem cho ta một con bò cái ba tuổi, một con dê cái ba tuổi, một con chiên đực ba tuổi, một con cu rừng và một con bồ câu con. 
  • Áp-ram bắt đủ các loài vật đó, mổ làm hai, để mỗi nửa con mỗi bên đối với nhau, nhưng không mổ các loài chim ra làm hai.   Có những chim ăn mồi bay đáp trên mấy con thú chết đó, song Áp-ram đuổi nó đi. Vả, khi mặt trời vừa lặn thì Áp-ram ngủ mê; nầy một cơn kinh hãi tối tăm nhập vào mình người.  Đức Chúa Trời khiến Áp-ram ngủ vì Ngài thiết lập Giao-ước với ông.  Đây là sự đề xướng của Đức Chúa Trời không đến từ con người của Áp-ram.
  • Với Giao-ước này, Đức Chúa Trời ban bố cho ông một lời tiên tri gồm có bảy điểm:

-/. Phải biết rằng dòng dõi ngươi sẽ ngụ trong một xứ chẳng thuộc về chúng nó,

-/. làm tôi mọi cho dân xứ đó

-/.  và bị họ hà hiếp bốn trăm năm. 

-/. Nhưng ta sẽ đoán phạt dân mà dòng dõi ngươi sẽ làm tôi mọi đó;

-/. rồi khi ra khỏi xứ thì sẽ được của cải rất nhiều. 

-/. Còn ngươi sẽ bình yên về nơi tổ phụ hưởng lộc già sung sướng rồi qua đời.

-/. Đến đời thứ tư, dòng dõi ngươi sẽ trở lại đây, vì tội lỗi của dân A-mô-rít chưa được đầy dẫy.

1.7.3 Thiên Chúa thiết lập Giao-ước với người Is-ra-el: Như vậy, Đức Chúa Trời tỏ cho Áp-ram biết được ý định của Thiên Chúa và ông tin mọi điều Ngài công bố sẽ được linh nghiệm (Heb 11:8-12).  Kinh thánh chép:  Khi mặt trời đã lặn, thình lình sự tối mịt giáng xuống; kìa có một lò lớn khói lên và một ngọn lửa lòe ngang qua các xác thịt đã mổ. 

  • Điều này tượng trưng cho sự hiện diện của chính Đức Chúa Trời toàn năng, thánh khiết và công chính; Ngài đi qua những con vật đó, lập nên một Giao-ước đời đời với Áp-ram. Kinh thánh cho biết:  Ngày đó, Đức Giê-hô-va lập giao ước cùng Áp ram mà phán rằng: Ta cho dòng dõi ngươi xứ nầy từ sông Ê-díp-tô cho đến sông lớn kia, tức sông Ơ-phơ-rát.  Chương 17 của Sáng Thế Ký 1-4. Ngài phán: “Khi Áp-ram được chín mươi chín tuổi thì Đức Giê-hô-va hiện đến cùng người và phán rằng: Ta là Đức Chúa Trời Toàn năng; ngươi hãy đi ở trước mặt ta làm một người trọn vẹn. Ta sẽ lập giao ước cùng ngươi, làm cho dòng dõi ngươi thêm nhiều quá bội. Áp-ram bèn sấp mình xuống đất; Đức Chúa Trời phán cùng người rằng: Nầy phần ta đây, ta đã lập giao ước cùng ngươi; vậy ngươi sẽ trở nên tổ phụ của nhiều dân tộc.
  • Theo tinh thần của Giao-ước, Sáng Thế Ký 17:5 cho biết Đức Chúa Trời đổi tên cho Áp-ram bằng cách ghép vào đó một phần danh xưng của Ngài: “Thiên hạ chẳng còn gọi ngươi là Áp-ram nữa, nhưng tên ngươi là… là gì? Áp-ra-ham, vì Ta đặt ngươi làm tổ phụ của nhiều dân tộc.”  Đức Chúa Trời đã dùng một mẫu tự này trong danh xưng của Ngài để thêm vào tên của Áp-ram, biến nó thành Áp-ra-ham.  Ngài phán tiếp tục phán rằng: “Thiên hạ chẳng còn gọi ngươi là Áp-ram nữa, nhưng tên ngươi là Áp-ra-ham.” Quả thật, Ngài đã cho ông một phần tên gọi của Ngài, thật tuyệt diệu vô cùng.  Giao-ước do chính Đức Chúa Trời đề xướng và Ngài chính là Đấng đã đổi tên cho Áp-ra-ham. Ngài là Đấng phán: “Ta sẽ làm việc này.” Ngài cũng là Đấng phán: “Ta sẽ cung ứng cho ngươi.”Chính Đức Chúa Trời chứ không ai khác.  Đức Chúa Trời đã phán với ông: “Ta sẽ là tất cả những gì mà ngươi cần – là thuẫn che chở người, là phần thưởng vô cùng lớn của ngươi. Ngươi có thể tin ở Ta, Áp-ram, khi Ta lập giao ước với ngươi.” 
  • Còn việc cắt một vết trên cơ thể thì sao? Đức Chúa Trời truyền cho Áp-ra-ham làm phép cắt bì được ghi trong Sáng Thế Ký 17:9-10.  Đó là cách Đức Chúa Trời muốn nói với dân tộc Is-ra-êl, qua Áp-ra-ham: “Đây là dấu hiệu về mối liên hệ giữa ngươi và Ta, đây là biểu tượng về mối liên hệ kết ước của chúng ta. Điều này sẽ được thực hiện đối với mọi bé trai như là biểu tưởng và dấu hiệu về mối liên hệ Giao-ước với Đức Chúa Trời.” 

1.7.4 Thiên Chúa thiết lập Giao-ước mới cho hết thảy dân cư trên đất: Tất cả những điều này và những gì được ký thuật trong Phúc-âm Lu-ca 22 có liên hệ thế nào với chúng ta, những người tín đồ sống ở thế kỷ 21? Hãy nghe những gì Chúa Giê-su công bố trong Phúc-âm Lu-ca 22:19-20, sau khi Ngài đã cùng họ ăn lễ Vượt qua: “Đoạn Ngài cầm lấy bánh, tạ ơn xong, bẻ ra phân phát cho môn đồ mà phán rằng: Nầy là thân thể Ta đã vì các ngươi mà phó cho; hãy làm sự nầy để nhớ đến Ta. Khi ăn xong, Ngài cũng làm như vậy, lấy chén đưa cho môn đồ mà phán rằng: Chén nầy là Giao-ước mới trong huyết ta vì các ngươi mà đổ ra. 

  • Trong bữa ăn tối hôm đó, không phải Chúa Giê-su kỷ niệm một Giao-ước với người Do Thái, mà Ngài đang thiết lập một Giao-ước mới.  Qua Ngài, Đức Chúa Cha đang khởi xướng một Giao-ước mới với toàn thể nhân loại. Và Giao-ước đó cần phải lập bằng máu trong chương trình của Thiên ý định, Ngài sẽ khởi sự một Giao-ước qua Chúa Giê-su Christ. Vì vậy, Ngài phán với các môn đệ, cũng giống như khi hai người gặp nhau để kết ước: “Nầy là thân thể ta đã vì các ngươi mà phó cho…” “Chén nầy là giao ước mới trong huyết ta vì các ngươi mà đổ ra.
  • Có điều gì đó sắp xảy ra. Có điều gì đó sắp thay đổi. Điều sắp thay đổi đó là gì? Vào bữa ăn lễ Vượt qua, Đức Chúa Giê-su Christ khai mở (Lẽ thật mà tiên tri Giê-ri-mi tiên báo Giê. ch 31) với các sứ đồ và cả với chúng ta nữa – điều cần lưu ý.  Ngài muốn nói cho mọi người rằng: “Đức Chúa Trời toàn năng, toàn quyền đã hoàn tất xong một Giao-ước mới với toàn thể nhân loại có hiệu lực đời đời cho họ.” 

-/.Trong Giao-ước cũ, Đức Chúa Trời chỉ thiết lập mối liên hệ với Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp, và con cháu thuộc dòng dõi Is-ra-êl của họ.  Đó là lý do Giê-su Christ, Con Đức Chúa Trời, đã đến thế gian. Ngài đến để làm gì?  Phúc-âm Giăng 10:10 cho biết: “Kẻ trộm chỉ đến để cướp giết và hủy diệt, còn Ta đã đến hầu cho chiên được sự sống và được sự sống dư dật.” Nếu không ở trong mối liên hệ Giao-ước với Đức Chúa Trời thì con người không có sự sống.

-/. Đây là một biểu tượng, đây là một Giao-ước, một Giao-ước mới mà Đức Chúa Cha khởi xướng.  Ngay sau bữa ăn lễ Vượt qua mà Chúa Giê-su cùng dự với các môn đệ, và tiếp sau đó Ngài đã treo thân lên thập tự giá. Ngài đã chết vì tội lỗi của nhân loại(1Giăng 2:2).  Và như thế, trong Giao-ước mới đó bất kỳ ai, mọi người ở bất cứ nơi đâu, bởi lòng tin, đều có thể bước vào một mối liên hệ với Ngài.  Nói cách khác, bất cứ ai tin cậy vào sự chết đền tội của Chúa Giê-su Christ đều tức khắc bước vào mối liên hệ Giao-ước với Đức Chúa Trời toàn năng.  Với Giao-ước đời đời, không thể hủy được, không thay đổi được và có giá trị vĩnh cửu, người tin cậy nơi Chúa Giê-su Christ trở nên một thành viên trong gia đình Đức Chúa Trời toàn năng; còn Ngài, Ngài mãi mãi cam kết đáp ứng nhu cầu của những ai tin cậy vào Giao-ước đó với Ngài.

  •  Chúa Jê-sus có ý gì khi Ngài phán: “Này là Giao-ước mới?” Câu nói đó hàm ý rằng :”Giao-ước cũ đã qua rồi”.  Ngài muốn nói gì khi dùng cụm từ “Giao-ước mới?”  Để hiểu điều này, tín nhân Cơ-đốc cần biết trước đây người ta thường có những Giao-ước với nhau bằng nhiều cách. Vì thế, một lẫn nữa tín nhân Cơ-đốc hãy theo dõi thật cẩn thận để có thể giải thích điều này cho thân nhân mình và những tín nhân khác trong Hội thánh– để giúp mọi người hiểu vì sao Tiệc thánh của Chúa Giê-su Christ là điều rất quan trọng cho đức tin. Con người sống trong thời xưa thường có những mối liên hệ kết ước do hai người lập với nhau, hoặc nhiều người.  Họ thường làm việc này theo cách sau đây: Đây là một Giao-ước lập bằng máu; nguyên thủy từ Giao-ước có nghĩa là “cắt”, và có thể hai người cắt một Giao-ước với nhau. Họ sẽ gắn bó với nhau trong một mối liên hệ mà sẽ kéo dài suốt đời.

-/. Trước hết, họ gặp nhau và điều đầu tiên họ làm là đổi áo choàng hay áo khoát cho nhau. 

-/. Điều thứ hai họ làm là nới lỏng đai nịt, cởi khiên ra để xuống đất và trao đổi vũ khí cho nhau.  Họ sẽ cắt cổ tay của mình, áp cổ tay lại với nhau để cho máu của hai người chảy hòa lẫn vào nhau. Điều này có nghĩa là họ đã “trở nên một” trong mối liên hệ giao-ước với nhau.  Họ không còn là hai nữa, mà là một trong mối liên hệ đó, vì máu của họ đã hòa vào nhau.  Vì vậy, nơi cái vết cắt còn lưu lại trở thành một vết thẹo và vết thẹo ấy đủ để cho mọi người thấy được.  Bởi đó, đang khi họ có sự tranh chấp hoặc gây gỗ với một người nào đó mà họ đã nhìn thấy có một vết thẹo như thế, thì họ đã nhận biết rằng người ấy là anh em kết nghĩa với người mà mình đã kết ước, và trong sâu xa hơn nếu họ gặp chuyện rắc rối thì người đó sẽ đến ứng cứu.

-/. Không những thế, hai người kết ước cũng thường trao đổi một phần tên của mình cho nhau nữa. Họ sẽ xẻ một con vật làm hai phần đều nhau.   Họ cùng vẽ một chữ số 8 qua giữa và vòng quanh 2 phần đó.  Khi làm điều này xong, họ cùng nhau tuyên đọc lời kết ước – rằng họ sẽ trung thành với nhau, cam kết hổ trợ cho nhau.

-/. Cuối cùng họ dùng bữa chung với nhau. Bữa ăn thường rất đơn giản (tùy theo), được tiến hành như sau: Mỗi người trao mẫu bánh của mình cho người kia và nói rằng:“ Đây là con người của tôi, và khi anh ăn nó, tôi sẽ vào bên trong anh, trở nên một phần của anh”.  Sau khi ăn xong họ sẽ trao đổi chén rượu.  Khi làm như vậy có nghĩa là họ đang đổi sự sống mình cho nhau – sự sống người này cho người kia, và ngược lại. “Những gì thuộc con người của tôi bây giờ là của bạn. Tôi sẽ vào trong con người của bạn và bạn sẽ vào trong con người của tôi, vì thế chúng ta ở trong một mối liên hệ Giao-ước với nhau. Bất cứ điều gì ảnh hưởng đến người này thì cũng ảnh hưởng đến người kia. Khi một người cần kíp hoặc gặp rắc rối thì người kia có trách nhiệm giúp giải quyết hoặc giải cứu”.

Phần 2. Con người được Thiên Chúa thiết lập Giao-ước để họ nhận lấy sự cứu rỗi.

Ngày nay, có nhiều người đã tin nhận Đấng Christ, đã tiếp nhận phước hạnh của Giao-ước mới, song không ý thức nội dung Giao-ước mới và những gì nó hoàn thành và sản xuất.  Vì vậy, người viết bài cứ trăn trở và gánh nặng nên phải đề cập đến Giao-ước mới nhiều lần trong bài và sẽ minh chứng rằng hầu hết Kinh thánh nói lên làm sáng tỏ về Giao-ước.  Nguyện tất cả tín nhân Cơ-đốc nhận biết, tìm thấy và gặp Giao-ước mới và được nó chiếm hữu cách hoàn toàn.

2.1 Bởi sự bại hoại của loài người:

  • Trong tất cả loài người từ khi vừa sanh ra, đã có nguồn gốc nhiễm tội từ tổ tiên mình là A-dam, ông A-dam phạm tội đã sinh ra các thế hệ sau, và  họ đã sanh ra trong tội lỗi(Thi 51:5).  Mọi người đều phải chịu trách nhiệm tội lỗi và sự ô nhiễm nầy.  Hình phạt tội lỗi do sự bất tuân của A-dam đã truyền cho cả nhân loại.  Vì vậy, dòng dõi A-dam phải gánh chịu sự đoán phạt theo sự công chính của Thiên Chúa từ khi mới chào đời(Rom 2:12; 6:23; 1Cor 15:22).  Ngoài ra sự công chính nguyên thủy của con người đã bị đánh mất do tội lỗi A-dam, từ đó nhân cách và bản tính tốt lành của loài người bị sa ngã hoàn toàn do sự quá phạm cách tích cực (Eph 4:17-18, 2:3; Rom 5: 12-19, 8:7) nên con người hoàn toàn bất năng và trở nên vô giá trị.  Linh hồn con người đã bị hủy hoại đến nỗi không thể tương giao với Thiên Chúa (Giăng 5:42; Rom 7:3, 18-23; 2Tim 3:2-4; E-sai 59:1-4).
  • Sự bất năng hoàn toàn của con người mang ý nghĩa là nếu tự mình thì không thể nào làm trọn luật pháp hay có thể yêu mến Thiên Chúa cách hết lòng (Giê 3:23; Lu 6:43-45; Rom 8:7-8; 1cor 2:14).  Qua đó, chúng ta thấy được rằng loài người vẫn đang sống trong tội lỗi, luôn phản nghịch và muốn chống lại Đức Chúa Trời qua nhiều hình thức, đồng thời con người không có một năng lực nào để đề kháng tội lỗi.  Ngoài ra con người bất năng đến độ khó có thể phân biệt những điều làm cho danh Chúa được vinh hiển để đẹp lòng Ngài.  Nhất là con người chống lại Đức Thánh Linh một loại tội không có sự tha thứ (Mat 12:31-32; Mac 3:29; Lu 12:10; Heb 4:4-6, 10:26; 1Giăng 5:16).  Sự chống nghịch Chúa Thánh Linh là một hành vi cho dù nhận biết ân điển của Chúa qua sự chuộc tội của Chúa Giê-su Christ, nhưng vẫn chống nghịch một cách có ý thức, cố ý từ chối Thánh Linh Chúa với trong lòng đầy dẫy sự hung ác, xem công việc của Chúa Thánh Linh là công việc của Ma-quỉ và tối tăm hơn bằng tấm lòng ghen ghét.  Loại hành vi nầy không đem lại sự hoán cải, nhưng khi được tái sanh thì tín nhân đó không thể phạm tội trọng nầy.

2.2 Sự phát lộ của lời tiên tri trong sách Giê-rê-mi đặt nền tảng của Giao-ước mới: 

  • Trong chương 31 Giê-rê-mi đặt nền tảng của Giao-ước mới, nói tiên tri rằng Đức Chúa Trời sẽ đặt luật Ngài vào bên trong chúng ta, rằng Ngài sẽ viết luật Ngài vào tâm trí (xem Heb 10:16-17; 2Cor 3:3) chúng ta hầu cho chúng ta có thể biết Đức Chúa Trời; rằng Đức Chúa Trời sẽ là Thần linh của chúng ta, chúng ta sẽ là dân của Ngài (1Phie 2:9), rằng chúng ta sẽ không cần ai dạy dỗ ta, vì cớ chúng ta đều sẽ có sự sống dạy dỗ ở trong mình, và rằng Đức Chúa Trời sẽ tha thứ các tội ác của chúng ta và không nhớ tội lỗi của chúng ta nữa.  Trong Giao-ước mới chúng ta vui hưởng  theo ân điển là luật sự sống ở bên trong.  Luật sự sống nầy đem cho ta thân vị của Đức Chúa Trời, cũng như khả năng thần thượng của sự sống thần thượng, mà có thể hoàn thành mọi sự cho Đức Chúa Trời để làm xong cuộc gia tể của Ngài.  Nhờ luật sự sống bên trong bởi Thánh linh cảm động, tín nhân Cơ-đốc có khả năng biết Đức Chúa Trời, sống Đức Chúa Trời và thậm chí được cấu tạo bằng Đức Chúa Trời trong sự sống và bản chất của Ngài đến nỗi chúng ta có thể bày tỏ sự sống của Ngài ra cho thiên hạ.
  • Hai mươi bảy sách trong Kinh thánh Tân-ước để định nghĩa một phần ngắn ngủi nầy của Giê-rê-mi 31. Nếu tín nhân Cơ-đốc hiểu phần nầy trong ánh sáng của toàn bộ Kinh thánh Tân-ước, sẽ thấy rằng trong Giao-ước mới nầy chúng ta có Hội thánh, vương quốc Đức Chúa Trời, gia đình Đức Chúa Trời, nhà của Đức Chúa Trời như chỗ cư trú của Đức Chúa Trời trong linh của chúng ta, người mới, và Thân Thể Đấng Christ như sự đầy đủ của Đức Chúa Trời đã trải qua tiến trình và tổng kết.  Cuối cùng và tổng kết, nó sẽ đem Giê-ru-sa-lem mới đến trong trời mới và đất mới cho cõi đời đời.

2.3 Con người được cứu rỗi.

  • Con người đã rơi vào tình trạng hoàn toàn bại hoại sa ngã nên họ không thể tìm kiếm Thiên Chúa và không có đủ năng lực để làm bất cứ việc lành nào(Rom 3:10-12).  Vì tình yêu cao cả đầy sự nhân từ Thiên Chúa, Ngài thật sự không bỏ mặc con người,  nên Ngài thiết lập một kế hoạch để chịu thương khó đổ huyết ra cứu chuộc con người, Ngài đưa bàn tay yêu thương ấy ra thông qua phương cách Giao-ước của Ngài trải qua nhiều thời đại con người.  Điều nầy được bày tỏ qua hai phương cách:  thứ nhất Giao-ước Cứu Chuộc, thứ hai Giao-ước Ân-điển.
  •  Giao-ước cứu chuộc:  Giao-ước cứu chuộc là một kết ước để giải cứu con người, trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời, Đức Chúa Cha là đại điện và Chúa Giê-su Christ là đại diện cho Hội thánh Ngài (những người tin nhận Chúa Giê-su).  Trong Giao-ước cứu chuộc, Chúa Giê-su thi hành chức vụ giải cứu và Đức Chúa Cha cùng Chúa Thánh linh hoàn tất mọi điều cần thiết cho công tác này.  Giao-ước đời đời nầy trở nên nền tảng vững chắc cho Giao-ước ân điển.  Nếu không có sự nghị luận hòa bình đời đời trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời(Xa-cha-ri 6:13) thì chắc chắn rằng Đức Chúa Trời và loài người không có Giao-ước ân điển.  Nhờ vào Giao-ước cứu chuộc đem đến ân điển cho con người.
  • Các chứng cớ Giao-ước cứu chuộc trong Kinh thánh:

-/.Kinh thánh bày tỏ kế hoạch cứu rỗi của Đức Chúa Trời cho nhân loại đã được thiết lập từ trước đời đời(2Tes 2:13; 2Tim 1:9; Eph 3:11; 1Phie 1:2).  Thư tín E-phê-sô 1:4-14 quả quyết rằng: ” Trong Đức Chúa Giê-su Christ, Ngài đã chọn chúng ta trước cả khi tạo thành vũ trụ,…Theo ý muốn và lòng nhân ái của Thiên Chúa, Ngài đã định trước cho chúng ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giê-su Christ,…nhờ máu Thánh Tử đổ ra chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi theo lượng ân điển rất phong phú của Ngài…

-/. Chính Chúa Giê-su Christ cho biết Ngài đã nhận Giao-ước trước khi đến thế gian và Ngài đề cập đến sứ mạng Ngài đã nhận từ nơi Cha (Gi ăng 5:30, 6:38-40, 17:4-12) và thư Ro-ma 5:12-21; 1Cor 15:22: bày tỏ Chúa Giê-su Christ là đại điện cho Giao-ước.

-/.Trong Giao-ước cứu chuộc Chúa Giê-su Christ không những là đầu mà Ngài còn là Đấng bảo chứng.  Đấng bảo chứng phải chịu trách nhiệm về con người đối với pháp lý.  Đấng Christ phải chịu gánh nặng về hình phạt của tội lỗi và làm thỏa mãn những đòi hỏi của pháp luật cho tín nhân trong Hội thánh Ngài.  Với hành động đó Ngài đã trở nên A-dam thứ hai là Đấng ban cho con người sự sống (Heb 7:22).  Ngoài ra Ngài phải trở nên con người và thay thề cho con người để vâng giữ luật pháp, trong khi mọi con người trên thế gian không thể vâng giữ trọn được, Ngài chịu hình phạt là sự chết thay cho tội lỗi con người (Gal 4:4-5; Neb 4:15; Phil 2:5-8).

-/. Sau khi Chúa Giê-su hoàn tất và Thánh Linh là Thần Lẽ Thật để dạy dỗ và bảo vệ Hội thánh.  Ngài sống lại sau khi chết và thăng thiên ngồi bên hữu Đức Chúa Trời theo lời hứa của Giao-ước và những người tin nhận Ngài đều sẽ được vinh hiển đời đời cùng với Ngài(Giăng 3:16; 1Phie 3:18, 22; Eph 1:6,22) . 

(phần sau sẽ tiếp nối để trình bày Giao-ước ân điển).

Mục sư. Lê Qúi Hữu. ĐT 0968871056.


Topic: GIAO-ƯỚC TRONG THÁNH KINH ? Ga-la-ti chương 03

No comments found.


 https://www.vietmenchurch.tk - Vietnamese Mennonite Church © 2010 All rights reserved.

Email: vietmenchurch09@gmail.com - Tel: (084) 8107163