GIÁO HỘI TIN LÀNH MENNONITE VIỆT NAM


GIAO-ƯỚC TIẾP THEO

(GIAO-ƯỚC TIẾP THEO)

 

Như bài học trước minh chứng Kinh thánh sách Sáng-thế-ký, chúng ta đã nhận thấy tổ tiên dầu phạm tội, song Chúa vẫn ban ơn cho họ, hứa cho họ hưởng theo Giao-ước ân điển (Sáng thế ký 3:14, 21);  Nô-ê được ơn (Sáng thế ký 6-8);  Áp-ra-ham cũng được ơn (Sáng thế ký 15:1, 8);  Môi-se cũng được ơn (Xuất Ê-díp-tô ký 33:17); Is-ra-êl, dân lựa chọn, cũng được ơn (Xuất Ê-díp-tô ký 19:5).   Các tiên tri làm viết các sách cũng chú trọng đến Giao-ước ân điển, hằng nói Ðức Chúa Trời đãi người Is-ra-êl có ân điển vô cùng (Ê-sai 63:7). Dẫu Chúa phải nổi giận vì họ phạm tội, song Ngài cũng đem lòng thương xót (Ga-la-ti 3:31,32; Giô-ên 2:13; Mi-chê 7:18, 19; Ha-ba-cúc 3:2). Tiếc rằng họ luôn được ơn Chúa, nhưng thường hay phụ nghĩa vong ân (Ê-sai 43:21-25; 44:1-5; 48:8-11; Giê-rê-mi 18:8-11; Ê-xê-chi-ên 16: và coi thêm Thi Thiên 78:).

 

-Giao-ước ân điển:  Giao-ước cứu chuộc là việc cam kết giữa Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con,  ngoài ra Giao-ước ân điển là sự cam kết giữa Đức Chúa Cha và tội nhân được lựa chọn trở nên người tin nhận Chúa Giê-su Christ.  Vì vậy, hai Giao-ước nầy không mâu thuẫn nhau.  Trong Giao-ước cứu chuộc, Đức Chúa Cha lập kế hoạch với Đức Chúa Con trước khi sáng thế để giải cứu nhân loại tội lỗi(Eph 1:40 và Giao-ước ân điển được xem như sự hoàn tất của Giao-ước cứu chuộc.  Trong Giao-ước ân điển, Đức Chúa Trời hứa ban sự cứu rỗi bởi đức tin cho hết thảy những ai đặt lòng tin nơi Chúa Giê-su Christ,  ân điển Ðấng Christ giàu có không đo được (Ê-phê-sô 1:7)tội nhân tiếp nhận lời hứa nầy bằng đức tin và sống bởi đức tin qua đời sống vâng phục Đức Chúa Trời(Giê 31:31-33; Gal 2:16).  Ðức Chúa Trời tha tội con người là vì sự ban cho theo Giao-ước ân điển, chớ không phải vì theo luật pháp (Thi Thiên 32:; 130:;143:).

 

-/. Đức Chúa Trời có vai trò chủ động quyết định bởi Ngài là Đấng có thẩm quyền trên mọi sự và Đức Chúa Trời đã thiết lập mối tương giao của Ngài đối với nhân vật chính là những người tin nhận Ngài và bởi Ngài kêu gọi chọn lựa họ trong Thiên ý định.  Đồng thời với thẩm quyền tuyệt đối của Ngài, nên Ngài có thể thực hiện chương trình cứu rỗi của Ngài để tha thứ  tội lỗi cứu chuộc con người, Ngài là Cha yêu thương muốn phục hồi mối tương giao đầy phước hạnh của Ngài đối với con người tội lỗi (Sáng 17:7-8; Xuất 29:5-6; Lev 32:38-41).  Ân điển rõ hơn hết tức là ơn cứu rỗi bởi Ðức Chúa Trời là Ðấng Toàn năng thương xót, nhơn lành, dung thứ, nhịn nhục, thực sự việc Ngài ban ân điển cho người ta đến hàng ngàn đời, tha thứ hết mọi tội lỗi (Xuất Ê-díp-tô ký 34:6, 7).

-/. Đấng Christ giữ vai trò bảo chứng và trung bảo cho Giao-ước ân điển, để Đức Chúa Trời hòa thuận với con người (Heb 7:22; 1Tim 2:5; Heb 8:6, 9:15, 12:24).  Do đó Đức Chúa Trời ban bố Giao-ước ân điển của Ngài cho con người bởi Đấng Christ và con người có thể  đến với Giao-ước ân điển của Đức Chúa Trời chỉ qua việc tin nhận Chúa Giê-su.

-/.  Trong Giao-ước ân điển không có công đức riêng hay việc làm nào khác của ý chí con người.  Chính vì vậy, Giao-ước ân điển chỉ có một đường lối duy nhất, Chúa Giê-su là Đấng trung bảo và tội nhân phải tiếp nhận Ngài bằng đức tin, vâng theo lời của Thiên Chúa.  Đây là điều kiện tiên quyết.  Nhưng tội nhân phải biết rằng điều kiện nầy không phải bới công đức hay việc làm nào khác để có thể thay thế được.  Chính Thiên Chúa hài lòng về điều kiện nầy và Ngài ban tặng đức tin cho những người được lựa chọn và kêu gọi, với năng quyền của Thánh Linh Ngài khiến họ tiếp nhận Chúa Giê-su làm Cứu Chúa cho mình, tin và vâng theo Ngài.  Ngoài điều kiện trên, sự cứu rỗi không đòi hỏi nơi con người điều kiện nào (Eph 2:4-9).

-/. Giao-ước ân điển là việc Đức Chúa Trời là Cha của hết thảy tín nhân Cơ-đốc, tín nhân Cơ-đốc trở nên dân sự của Ngài (Giê 31:33, 32:38-41; Exe 34:30,31, 36:28, 37:26,27; 2Cor 6:16-18).  Thiên Chúa lập Giao-ước với Áp-ra-ham cũng là lời công bố về một Giao-ước ân điển đời đời (Sáng 17:7).  Lời hứa nầy sẽ hoàn thành trọn vẹn khi Chúa Giê-su Christ từ trời trở lại trong vinh hiển đại quyền, Giê-ru-sa-lem mới trên trời sẽ biểu lộ giáng xuống và đền tạm của Thiên Chúa ở giữa loài người (Khải 21:3).  Trong Giao-ước nầy Hội thánh Chúa được lời hứa Đức Chúa Trời tha thứ tội lỗi và hết thảy các tín nhân Cơ-đốc mang danh phận làm con Ngài và họ được hưởng sự sống đời đời.

-/.Đây là Giao-ước đầy phước hạnh, Giao-ước nầy không đòi hỏi sự hy sinh và sự nổ lực của con người để được cứu.  Nhưng trong Giao-ước chỉ đòi hỏi đức tin nơi con người và sự vâng phục của người tin nhận Ngài, có thể dưới cái nhìn công đức thì đây là Giao-ước vô điều kiện (Eph 2:8).  Vì vậy, Giao-ước nầy bắt đầu từ ân điển do ơn ban cho từ Ba Ngôi Đức Chúa Trời, được thực hiện bởi tình yêu Ngài trong Thiên ý định Ngài áp dụng vào đời sống của tội nhân.  Cho nên, tội nhân hoàn toàn ở trong ân điển phong phú của Đức Chúa Trời từ đầu cho đến cuối (Gi ăng 1:16; Eph 2:8).

-/.Giao-ước ân điển dựa vào nền tảng tình yêu cao quí và sự lựa chọn của Đức Chúa Cha, luật bảo chứng của Đức Chúa Con, với sự áp dụng hiệu quả của Đức Thánh Linh được hoàn thành trong đời sống tội nhân.  Cho nên, trong Giao-ước ân điển có sự tham gia của Ba Ngôi Đức Chúa Trời (Eph 1:1-24; Giăng 19:30; 1Phie 1:2) và Giao-ước ân điển nầy không bao giờ bị hủy phá hoặc mất hiệu lực theo thời gian, do đó nó là Giao-ước với sự thành tín của Đức Chúa Trời đời đời, Ngài thực hiện Giao-ước thật trọn vẹn trên những người tin nhận Ngài và bởi sự chọn lựa kêu gọi từ Ngài (Sáng 17:19; 2Sam 23:5; Heb 13:20).  Giao-ước ân điển chỉ ban cho những ai tin Chúa Giê-su, không ban cho hết thảy mọi người sống trong tội lỗi nơi trong thế gian và Giao-ước nầy là Giao-ước đặc biệt (Giăng 3:16; Mat 1:21; Lu 19:10). 

-/. Giao-ước nầy có thể thay đổi theo từng thời đại từ Cựu-ước tới Tân-ước nhưng bản chất vẫn nhất quán. 

*Lời Ngài hứa luôn nhất quán” Ta sẽ là Đức Chúa Trời của ngươi” (Sáng 17:7; Xuất 19:5, 20:1; Phục 29:13; Heb 8:10). 

*Phúc-âm của sự cứu rỗi được rao truyền từ xưa cho con người đến chúng ta ngày nay chỉ là một và nhất quán(Sáng 3:15). 

*Áp-ra-ham được cứu rỗi bởi ân điển thì chúng ta ngày nay cũng đều được cứu bởi ân điển cách nhất quán (Rom 4:9-25; Gal 3:7-9, 17, 18).

*Đấng trung bảo của Giao-ước từ xưa đến nay cũng duy một Chúa Giê-su Christ .  Đây là điều nhất quán (Heb 13:8; Congv 4:12).

-/. Cuối cùng, Giao-ước ân điển mang tính thừa kế và di chúc:  Trong cái nhìn của toàn thể Giao-ước ân điển là quà tặng;  Thời đại Tân-ước bắt đầu cùng với sự chết của Đấng Christ;  Giao-ước nầy rất bền vững không hề bị hủy phá.  Ân điển của Chúa là lời nói, việc làm Ngài tỏ ra có tánh chất yêu thương người, chẳng những yêu thương người lành, mà cả kẻ dữ trong thế gian để cứu họ.


-Ngôn từ ân điển:  Từ vựng"ân điển" là ngôn từ thật đáng để tất cả các tín nhân Cơ-đốc phải chú trọng; vì Kinh thánh đã lặp đi lặp lại qua nhiều trước giả dùng chữ "ân điển".  Thư tín của Phao-lô thường thường dùng "ân điển" làm lời mở đầu và kết luận.  

 

-/. Chữ "ân điển" đó là nói gồm hết ích lợi mà Ðức Chúa Trời đã nhơn Ðấng Christ mà ban cho.  Khi nói về ân điển ấy, có hai chỗ cần yếu là Tít 2:11-14; Rom 5:16, chúng ta nên tra cứu kỹ càng.  Qua sự việc Phao-lô đi Ða-mách, giữa đường gặp chính Chúa Giê-su, ông đã hiểu thấu ân điển lớn lao của Ngài (I Cor 15:9, 10; I Tim 1:13-16), nên ông mạnh dạn làm chứng về ân điển trong lẽ thật của Phúc-âm và ông xem đó là thiên chức của mình (Côngv 20:24).  

-/. Ân điển không song hành với tội lỗi, trong ý chỉ Ðức Chúa Trời lấy ân thắng tội (Rom 5:20; 6:1, 15).  Cho nên, điều mà luật pháp không thể làm trọn, thì ân điển của Thiên Chúa làm cho được trọn (Rom 7:7-8:4).  Kinh thánh luôn tuyên bố người xưng công bình được cứu là nhờ ân điển, chớ không phải nhờ theo luật pháp (Êph 2:8; Tít 2:11; Rom 4:2-8; 11:6; Gal 2:16-21).   Vì luật pháp sanh ra sự giận, trái nghịch với ân điển (Rom 3:19-26; 4:15; Gal 5:4).  Vậy nên ai bằng cả tấm lòng tin Chúa Giê-su Christ đều được nhận lãnh ân điển và sự ban cho công chính (Rom 5:17).  

-/. Các thư tín do Phao-lô viết hầu hết đã đến ân điển (của Ðức Chúa Trời hai mươi hai lần, nói đến ân điển Ðấng Christ mười lăm lần) và khi tra cứu chúng ta nhận ra bốn yếu chỉ nầy:

* Ân điển Ðấng Christ kỳ diệu: sự hạ mình, lòng khiêm nhường (II Cor 8:9; Phil 2:5-8; Gal 2:21)

* Ân điển Ðấng Christ bởi tin mà nhận cách nhưng không (Rom 3:24; 4:4; 11:6; Êph 2:8).

* Ân điển Ðấng Christ thắng tội lỗi (Rô-ma 5:15, 20): Ân điển được ban ra để tha tội đồng thời tuyên xưng công bình (Êph 1:7; Rom 3:24; 5:21; Gal 2:21);  Ân điển trục xuất và hủy bỏ cái ách tội lỗi (Rom 6:14).

* Ân điển Ðấng Christ phong phú (Êph 1:7; 3:8; Rom 5:17; II Côr 4:15).  Đến nỗi các thứ hạnh phước từ trời tuôn đổ bởi ân của Ðấng Christ:"Nguyền xin ơn của Ðức Chúa Giê-su Christ ở với anh em". (Rom 16:20; I Côr 16:23; Gal 6:18; Phil 4:23; I Tês 5:28; II Tês 3:18; II Tim 4:22; Phi-lê-môn 25).

-/. Ơn là: "lòng nhơn từ của Ðức Chúa Trời, là Cứu Chúa chúng ta, và tình yêu thương của Ngài đối với mọi người...không phải cứu vì việc công chính con người đã làm..." (Tít 3:4, 5) và ân điển hủy bỏ luật pháp.  Bởi khi con người sống dưới luật pháp, Thiên Chúa đòi sự công chính nơi loài người, song dưới ân điển, Thiên Chúa ban sự công chính cho loài người (Rom 3:21, 22; 8:4; Phil 3:9). 

-/.Luật pháp can thiệp bởi Môi-se trong khi ân điển bởi Ðấng Christ và đức tin (Giăng 1:17; Rom 10:4-10).  Luật pháp dành cho con người có đời sống làm theo trọn vẹn, với ân điển con người được cứu rỗi cho dù người ấy gian ác (Xuất 19:5; Êph 2:1-9).   Luật pháp trói buộc dân Is-re-el phải làm trọn mọi điều để lãnh phước; trong khi đó ân điển là sự ban cho nhưng không (Phục 28:1-6; Êph 2:8; Rom 4:4, 5).

 

-Cuối cùng sự cứu rỗi là chắc chắn: Trung tâm điểm là tín nhân Cơ-đốc được cứu rỗi không bởi sự vâng lời luật pháp, song là tin nhận hay chối Ðấng Christ với kết quả của sự cứu đó là những việc làm lành bởi đức tin (Giăng 1:12, 13; 3:36; Mat 21:37; 22:42; Giăng 15:22, 25; Hêb 1:2; I Giăng 5:10-12).

 

    `        `                                 Mục sư. Lê Qúi Hữu. dt 0968871056.

 


Topic: GIAO-ƯỚC TIẾP THEO

No comments found.


 https://www.vietmenchurch.tk - Vietnamese Mennonite Church © 2010 All rights reserved.

Email: vietmenchurch09@gmail.com - Tel: (084) 8107163